Có rất nhiều tâm sự, câu hỏi thắc mắc của phụ huynh về việc chọn thời điểm nào cho con học ngoại ngữ và đầu tư thế nào cho hiệu quả? Cũng có ý kiến rằng nên cho học càng sớm càng tốt, bởi nếu bỏ qua giai đoạn đầu đời sẽ làm trẻ mất đi cơ hội tiếp nhận ngôn ngữ tự nhiên?
Nhưng nếu cho trẻ rèn luyện những kỹ năng ngôn ngữ thứ hai một cách "máy móc", theo phong trào khi tuổi còn quá nhỏ liệu có khiến trẻ mệt mỏi, kể cả với những em đã có thời gian tiếp xúc ngôn ngữ từ sớm, nhưng khi học văn phạm tiếng mẹ đẻ vẫn gặp nhiều khó khăn. Thực tế hiện nay, khá nhiều đứa trẻ người Việt theo học từ lớp 1 tại các trường quốc tế đúng nghĩa thường có biểu hiện “ngại” nói Tiếng Việt, chuyện này là có thật, các cháu phải theo học thêm lớp dạy nói và viết Tiếng Việt ở bên ngoài trường.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với cô Lan Hương - Giáo viên dạy tiếng Anh Trường Tiểu học Trung Tự, Hà Nội. Theo cô Hương: “Đối với các con còn quá nhỏ, nếu cha mẹ muốn cho trẻ làm quen với ngoại ngữ từ sớm cần để ý đến các giáo trình, phương pháp dạy phù hợp lứa tuổi bởi các con lúc này chưa có sự nhận thức đầy đủ, cũng như chưa thể viết tốt được.
Nhưng điều này thực sự cũng rất khó bởi không phải phụ huynh nào cũng đều có chuyên môn sâu để đánh giá được cái gì phù hợp với con hay không. Nhưng hiện nay, thời Công nghệ thông tin phát triển rất mạnh nên khá thuận tiện cho việc phụ huynh tìm hiểu thêm nhiều kênh khác nhau, từ đó sẽ có những đánh giá tương đối cơ bản. Còn chắc chắn là đối với các bạn 4 - 5 tuổi, giáo viên chưa thể dạy nhiều về viết và đọc.
Với tiếng Anh ở lớp 1 chủ yếu là để các con làm quen, thông qua kênh nghe để tiếp thu kiến thức. Điều quan trọng là phụ huynh muốn con phát triển về mặt nào, nếu như với một đứa trẻ thích vận động, nhưng bố mẹ lại cho vào môi trường tĩnh thì chắc chắn không đạt được hiệu quả cao trong giáo dục. Tôi có một lưu ý và băn khoăn như vậy nên các bậc cha mẹ cần cân nhắc, tìm một môi trường học tập phù hợp.
Ví dụ, cha mẹ quá nặng nề về phần kiến thức, yêu cầu con trẻ nhớ nhiều từ vựng, phải nói nhiều…trong khi đó lại không tạo được môi trường yêu thích cho trẻ phát triển, nếu bắt ép sẽ không bao giờ đạt hiệu quả. Bản thân tôi cũng có con nhỏ và cũng rất muốn một môi trường phù hợp để tiếp con xúc tiếng Anh, có được kỹ năng nghe, nói, phát âm, đây cũng là phần lợi thế khi các con được làm quen”.
Cần chọn ứng dụng trực tuyến để trẻ tương tác
Cô Hương nói: “Đối với các bạn còn quá nhỏ, tôi không khuyến khích việc học tiếng Anh trực tuyến trong thời gian dài vì điều này sẽ gây mệt mỏi. Thứ hai là học trực tuyến rất khó cho việc các giáo viên khơi gợi được sự chú ý của các con, trẻ ở độ tuổi này thường hay mất tập trung.
Dạy trực tiếp trên lớp cũng vậy, sự mất tập trung đó là chuyện hết sức bình thường bởi các con đang có nhu cầu cần vận động, khám phá, tò mò…vậy ở lứa tuổi tiền tiểu học, cha mẹ nên cho trẻ tham gia các hoạt động phát triển thể chất, đó mới là điều quan trọng.
Còn nếu bố mẹ vẫn muốn cho con có cơ hội để phát triển ngôn ngữ thứ hai, hiện nay có rất nhiều ứng dụng học trực tuyến giúp các con tương tác mỗi ngày từ 5 đến 10 phút, như vậy sẽ tiện và có hiệu quả hơn là theo học các khóa trực tuyến với vài chục học sinh một lớp, trong một tiết học quá dài.
Việc dạy và học trực tuyến để duy trì việc học trong nhà trường khi có dịch Covid-19, bởi các con cần phải đảm bảo khung chương trình, nếu nghỉ quá lâu rất dễ quên nề nếp, kiến thức. Đây là trường hợp bất khả kháng, chứ hiệu quả không thể bằng với học trực tiếp trên lớp, bởi đâu chỉ việc truyền đạt kiến thức mà các con cần rất nhiều tương tác khác nữa”.
Cần tạo được cho trẻ môi trường yêu thích ngoại ngữ
Cũng về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với cô Phương Liên - Giáo viên dạy tiếng Anh Trường Tiểu học Yên Hòa, Hà Nội, cô Liên chia sẻ:
“Với một đứa trẻ có sự phát triển bình thường về ngôn ngữ và nhận thức thì từ 3 tuổi đã có thể giao tiếp những nội dung cơ bản bằng tiếng mẹ đẻ, nhưng không có nghĩa là thích hợp cho trẻ học tiếng Anh ở độ tuổi này. Tôi không hiểu vì lý do gì mà nhiều phụ huynh lại cho con đi học tiếng Anh ở các trung tâm khi trẻ mới 3 tuổi?
Tuy nhiên, điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là các bậc phụ huynh cần phải hiểu được khả năng của trẻ đến đâu trước khi cho trẻ theo học. Trong quá trình rất nhiều năm tôi dạy ở cấp tiểu học, thấy có nhiều em khi vào lớp 1 vẫn còn gặp “vấn đề” về ngôn ngữ Tiếng Việt, đó là tiếng mẹ đẻ mà các con vẫn giao tiếp hàng ngày, chứ chưa nói đến ngôn ngữ thứ hai là tiếng Anh.
Phần quản lý cảm xúc, khả năng kiểm soát vận động của con cũng đang gặp “vấn đề”, vậy nên các bậc phụ huynh cũng cần đặt mục tiêu trong giai đoạn từ 3 đến 4 tuổi mà đứa trẻ đó gặp những vấn đề như vậy thì cũng chưa cần thiết cho tiếp cận thêm một ngôn ngữ thứ hai. Bố mẹ chính là người hiểu rõ nhất khả năng con mình đến đâu”.
Việc cho trẻ học tiếng Anh sớm như vậy liệu các con có bị ảnh hưởng đến việc “rối loạn”, lẫn lộn mất kiểm soát ngôn ngữ giữa tiếng Anh và Tiếng Việt hay không? Theo cô Liên: “Tôi thấy một số bạn cũng có hiện tượng lẫn lộn như vậy, đôi khi các em đó không biết phản xạ trả lời câu hỏi đó bằng mẹ đẻ thế nào, dẫn đến trả lời bằng tiếng Anh.
Nhưng theo tôi nghĩ, ngôn ngữ là một kênh giúp các con truyền đạt mọi thông tin, cảm nghĩ, mọi suy nghĩ của mình…các con có thể truyền đạt bằng Tiếng Việt, nhưng đôi khi các con có thể truyền đạt bằng ngôn ngữ khác mà mình thông thạo, miễn sao các con thấy thoải mái, và quan trọng là người được truyền đạt phải hiểu, còn không là thất bại.
Tuy nhiên, cái mà tôi muốn chia sẻ với phụ huynh về việc cho trẻ học tiếng Anh quá sớm, việc gì cũng vậy, nếu như cha mẹ chưa có sự tìm hiểu, cứ cho con học theo “đám đông” thì chắc chắn sẽ không có hiệu quả.
Các trung tâm ngoại ngữ bây giờ rất nhiều, nhưng tôi không dám chắc tất cả các trung tâm đó đều có phương pháp dạy đúng phù hợp với trẻ nhỏ, dẫn đến việc dạy trước cho các con sẽ gặp phải vấn đề: Khi các con đã biết trước rất nhiều nội dung trong quá trình học sớm, sau này khi vào lớp 1, các con phải học lại tất cả những kiến thức đó, dẫn tới trẻ không tìm thấy điểm mới, điểm khác biệt, như vậy trẻ không hứng thú tiếp thu.
Điều mà khơi gợi sự hứng thú cho các bạn nhỏ là cực kỳ quan trọng, tạo sự hứng khởi cho các con trong học tập, vừa qua tôi có tham dự chương trình của một đại học Mỹ, họ đặt mục tiêu và trọng tâm rất lớn về việc đó. Có thể trẻ nhỏ chưa biết gì nhưng lại có sự yêu thích học tập, dẫn tới việc các em tiếp thu kiến thức rất nhanh”.
Cô Liên nhấn mạnh: “Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, chính vì thế có rất nhiều nguồn học tập tốt, phong phú, có nhiều giáo trình rất hay nhưng lại không có trên kênh Tiếng Việt. Nếu như khả năng tiếp xúc với tiếng Anh của con tốt, có thể nghe và hiểu được sớm thì cũng tạo cho trẻ có cơ hội tiếp cận những kênh học tập này. Thông qua ngôn ngữ tiếng Anh, con có thể mở rộng sự hiểu biết, đó mới là điều quan trọng.
Ví dụ, trong một chủ đề tìm hiểu về sông hồ hoặc núi rừng, họ có những bài dạy thiết kế cho các em tầm 4 đến 5 tuổi rất hay thông qua kênh tiếng Anh. Thông qua kênh đó, trẻ tìm hiểu thêm nhiều thông tin, mở rộng vốn kiến thức, rồi từ những câu từ đó chuyển sang Tiếng Việt, điều đó cũng rất tốt.
Nhiều phụ huynh có xu hướng cho con học tiếng Anh sớm như vậy, nhưng nếu như cha mẹ chưa quan tâm, tìm hiểu xem giáo trình học có gì, con mình gặp khó khăn gì về mặt ngôn ngữ…Mà đã cho các con theo học? Theo tôi, đó sẽ lợi bất cập hại, khiến cho trẻ mất đi hứng thú, chỉ nghe thấy học tiếng Anh là đã sợ rồi, như vậy không hiệu quả”.